Thứ sáu, 22/11/2024
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”! - Nhiệt liệt chào mừng 20 năm ngày tái lập tỉnh Đắk Nông (01/01/2004 – 01/01/2024)!

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào công tác kiểm tra, giám sát của Đảng hiện nay

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nhất là công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ mục đích của kiểm tra, giám sát là “để giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm”. Khi tiến hành công tác kiểm tra, giám sát phải thực hiện đúng nguyên tắc và nghiệp vụ công tác đảng, không được áp dụng các phương pháp điều tra của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Người yêu cầu người lãnh đạo, ủy ban kiểm tra (UBKT), cán bộ kiểm tra phải có phương pháp kiểm tra, giám sát thật dân chủ, khách quan, thận trọng, phải đi đúng đường lối quần chúng, phải thật sự nhân văn thì mới đem lại kết quả, hiệu quả cao nhất.

Theo Người, muốn kiểm tra, giám sát đúng quy định, có kết quả cao thì công tác kiểm tra, giám sát phải khoa học có tính hệ thống, thường xuyên thực hiện. Không phải gặp việc gì, gặp ai cũng có thể phái đi kiểm tra, giám sát được. Người nhấn mạnh: “... muốn kiểm soát có kết quả, phải có hai điều: Một là, việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường xuyên làm. Hai là, người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín và phải “khéo kiểm soát””. Một mặt, phải kiểm tra, giám sát, kiểm soát từ trên xuống, tức là người lãnh đạo kiểm tra, giám sát, kiểm soát kết quả những công việc của cán bộ mình. Mặt khác, phải kiểm tra, giám sát, kiểm soát từ dưới lên, tức là quần chúng và cán bộ kiểm soát, kiểm tra, giám sát sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cải cách sửa chữa sự sai lầm đó.

Trong quá trình tiến hành công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, phải coi trọng thực hành phê bình và tự phê bình trung thực, công tâm, khách quan, thể hiện tình thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, không chen động cơ cá nhân, không mặc cảm, không thành kiến, thù oán nhau. Người cho rằng: “Mỗi đảng viên, mỗi cán bộ, cần phải thật thà tự xét và xét đồng chí mình, ai có khuyết điểm nào, thì phải thật thà cố gắng tự sửa chữa và giúp sửa chữa lẫn nhau. Thang thuốc hay nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình”; phải “... khéo dùng cách phê bình và tự phê bình để giúp đồng chí khác sửa đổi những sai lầm và khuyết điểm, giúp họ tiến bộ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn và lưu ý, trong công tác kiểm tra, giám sát, trong tự phê bình và phê bình phải làm sao cho đảng viên, cán bộ cấp dưới mạnh dạn thẳng thắn góp ý, phê bình đối với đồng chí, nhất là đối với đảng viên là cán bộ cấp trên, cán bộ lãnh đạo; không nên để “họ dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, có tình trạng trên là do “Cách lãnh đạo của ta không được dân chủ, cách công tác của ta không được tích cực” và Người yêu cầu phải “Kiên quyết chống thói nể nang và che giấu, chống thói trước mặt thì nể, kể lể sau lưng”.

Người nhắc nhở các cấp uỷ, tổ chức đảng, người lãnh đạo qua kiểm tra, giám sát phải chỉ rõ ưu điểm, thành tích để phát huy, nhân rộng; kịp thời phát hiện thiếu sót, khuyết điểm của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên để lưu ý, cảnh báo, nhắc nhở, yêu cầu sửa chữa, khắc phục, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm từ khi còn manh nha; nếu thấy cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm thì phải làm rõ chứng lý, kết luận chuẩn xác, không chủ quan, áp đặt; phải để họ được bày tỏ ý kiến của mình về khuyết điểm, vi phạm của mình, tự thấy và tự giác nhận khuyết điểm, sai phạm, tự nhận hình thức kỷ luật một cách tâm phục, khẩu phục thì mới đạt được mục đích, yêu cầu của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, mới đảm bảo tính Đảng, tính nhân văn trong công tác này: “Muốn họ thành tâm sửa chữa, phải giải thích rõ ràng, làm cho họ tự trông thấy, tự nhận rõ sự sai lầm đó, làm cho họ vui lòng sửa đổi, chứ không phải bị cưỡng bức mà sửa đổi”. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn, đối với những người không chịu nổi kỷ luật của Đảng, có nguyện vọng xin ra khỏi Đảng, thì Đảng cũng tạo điều kiện cho họ ra khỏi Đảng và vẫn đối xử tốt, vẫn giữ tình cảm thân thiện với họ và chỉ yêu cầu một điều là: Không lộ bí mật của Đảng, không phản Đảng, không phá hoại Đảng.

Người còn căn dặn những người lãnh đạo, UBKT, cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát phải thường xuyên trau dồi nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác, giữ gìn đạo đức, lối sống, tác phong công tác khoa học. Người cán bộ kiểm tra phải gương mẫu, nhiệt tình, gần gũi với cơ sở để lắng nghe những ý kiến từ cơ sở, thông quá đấu tranh, phê bình để kịp thời phát hiện để giáo dục, giúp đỡ, cán bộ đảng viên của mình: “... Các UBKT và cán bộ kiểm tra phải học tập và thấm nhuần đường lối, quan điểm của Đảng, phải luôn luôn chú ý nâng cao khả năng chuyên môn, phải cố gắng công tác, phải trau dồi đạo đức cách mạng. Đặc biệt là phải nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật, phải thật thà phê bình và tự phê bình để làm gương mẫu trong việc chấp hành kỷ luật. Phải chí công vô tư, không thiên vị, không thành kiến. Như thế thì mới làm tốt được công tác kiểm tra”.

Từ quan điểm trên của Bác, để thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát của Đảng hiện nay, cấp ủy Đảng các cấp cần thực hiện một số giải pháp sau đây:

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất là người đứng đầu cấp ủy về công tác kiểm tra, giám sát; vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát. Công tác kiểm tra không phải là “vạch lá tìm sâu”, “bới lông tìm vết”, làm giảm thành tích của đơn vị, địa phương mình” mà cốt “trị bệnh cứu người”, lấy xây dựng và cải tạo để chủ động phòng ngừa, uốn nắn, giáo dục, khơi dậy sự tự giác là chính.

Hai là, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra đảm bảo sát và đúng, nội dung kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm. Công tác kiểm tra phải được tiến hành một cách có hệ thống và thực hiện thường xuyên; không buông lỏng ở khâu, giai đoạn nào. Thực hiện phối hợp chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, kiểm toán của Nhà nước, thanh tra nhân dân, công tác kiểm tra, giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, nghề nghiệp, với các ban, ngành có liên quan...

Ba là, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra vừa “hồng”, vừa “chuyên”, thật sự tiêu biểu về chuyên môn và đạo đức; trung thành với Đảng, đặt lợi ích của Đảng và nhân dân lên trên và trước lợi ích của cá nhân; hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Thực hiện quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ một cách hợp lý; chú trọng công tác quản lý và đánh giá cán bộ; đặc biệt, cần thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ.

Bốn là, bảo đảm tính khách quan, quán triệt tinh thần tự phê bình và phê bình trong công tác kiểm tra. Trên cơ sở những văn bản, quy định của pháp luật, của ngành để đưa ra những nhận xét, đánh giá hợp lý, cụ thể, rõ ràng. Chú trọng việc dựa vào tổ chức đảng, phát huy tinh thần tự giác của tổ chức đảng và đảng viên, phát huy trách nhiệm xây dựng Đảng của quần chúng trong nhiệm vụ thẩm tra, xác minh.

Năm là, trong công tác kiểm tra, cần bảo đảm sự tham gia rộng rãi của quần chúng nhân dân. Thực hiện nghiêm túc Quy chế dân chủ ở cơ sở, lắng nghe những ý kiến từ cơ sở, từ quần chúng để làm nguồn tin cung cấp cho quá trình kiểm tra, giám sát, nhằm bảo đảm dân chủ, khách quan, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị. Tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân, dựa vào “tai mắt” của nhân dân để thực hiện công tác kiểm tra.

Trần Thọ - UBKT Đảng ủy Khối