Anh Nguyễn Đức Thọ từng tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ sư điện, điện tử; do yêu cầu của công việc, anh tiếp tục học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ ở lĩnh vực kỹ thuật y sinh. Trong quá trình công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông, anh nhận thấy có nhiều bất cập trong sử dụng các thiết bị y tế, do vậy anh luôn mày mò, tìm tòi, nghiên cứu nhằm cải tiến, nâng cao hiệu quả sử dụng các thiết bị, giúp bác sỹ và bệnh nhân trong công tác khám chữa bệnh. Qua thực tế điều trị tại bệnh viện cho thấy, các bệnh lý về đường hô hấp ngày càng nhiều, nhất là ở trẻ em và người lớn tuổi. Xông khí dung được xem là giải pháp hữu hiệu trong cách điều trị các bệnh về đường hô hấp như viêm mũi, họng, viêm xoang, viêm phế quản…, liệu pháp giúp đưa thuốc bằng cách hít thở qua đường hô hấp giúp thuốc có thể tác dụng trực tiếp vào khu vực cần điều trị một cách nhanh chóng, hiệu quả hơn. Trước những khó khăn, cũng như nhu cầu bức thiết của đội ngũ y, bác sỹ trong việc điều trị cho bệnh nhân, Kỹ sư Nguyễn Đức Thọ, Phòng Kế hoạch Tổng hợp và Vật tư thiết bị y tế, Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông và cộng sự đã nghiên cứu cho ra đời sáng kiến “Cải tiến hệ thống xông khí dung dùng nguồn khí nén tại bệnh viện” để khắc phục những nhược điểm của hệ thống xông khí dung hiện nay, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trong thời gian qua.
Từ thực tế công tác tới sáng kiến cải tiến hệ thống xông khí dung
Với chuyên ngành kỹ thuật y sinh, công tác tại Phòng Kế hoạch Tổng hợp và Vật tư thiết bị y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông, anh Nguyễn Đức Thọ và các cộng sự nhận thấy thiết bị hay lỗi hỏng, không ổn định, ảnh hưởng tới chuyên môn, chất lượng khám, chữa bệnh, tốn kinh phí mua thiết bị hàng năm, có lúc không an toàn về điện; mặt khác mỗi loại máy chỉ sử dụng được với một bệnh nhân, dễ lây nhiễm khuẩn chéo trong bệnh viện. Hàng năm, có vài chục máy xông khí dung thông thường hỏng không thể sử dụng được, các xác máy là rác thải công nghiệp, rất khó xử lý và là mối nguy hại cho môi trường. Với thiết bị xông khí dung dùng nguồn khí nén sẽ hạn chế tối đa việc xả thải rác thải công nghiệp vì thiết bị đơn giản, không dùng động cơ hoặc mạch điện tử, các phụ kiện dễ phân loại để xử lý, vì vậy sử dụng thiết bị được xem là một giải pháp thân thiện với môi trường. Đây là một công cụ, giải pháp hiệu quả trong điều trị các bệnh nhân bị đường hô hấp tại các bệnh viện, các cơ sở khám chữa bệnh. Khắc phục được việc thiếu máy xông cho bệnh nhân trong thời gian cao điểm (1 hệ thống có thể bố trí nhiều đầu ra). Thân thiện với người sử dụng, đặc biệt là các bệnh nhân nhi khoa vì không gây ra tiếng ồn, không làm bệnh nhân hoảng sợ.
Do “Cải tiến hệ thống xông khí dung dùng nguồn khí nén tại bệnh viện” dựa trên nguyên lý chung của liệu pháp xông khí dung, dùng áp lực khí biến đổi dung dịch, thuốc từ dạng lỏng thành dạng khí để bệnh nhân dễ hấp thụ, điều trị hiệu quả hơn. Sáng kiến dễ thực hiện, ít tốn kinh phí, độ bền cao, đặc biệt rất thuận lợi cho người sử dụng và hiệu quả trong việc điều trị cho bệnh nhân, đem lại lợi ích kinh tế và chuyên môn, hạn chế tối đa lây nhiễm khuẩn chéo trong bệnh viện. Sử dụng liệu pháp khí dung sẽ tác dụng mạnh gấp 5 lần so với cách khác như uống thuốc, tiêm thuốc, nhờ vậy liều thuốc dùng có thể giảm bớt. Khối lượng trung bình là 5ml dùng trong khoảng 10 phút, ngày 2 đến 3 lần tùy vào tình trạng sức khỏe bệnh nhân.
Kỹ sư Nguyễn Đức Thọ với Sáng kiến“Cải tiến hệ thống xông khí dung dùng nguồn khí nén tại bệnh viện”
Hiệu quả từ sáng kiến cải tiến biện pháp xông khí dung
Từ sáng kiến cải tiến hệ thống xung khí dung, thời gian qua, công tác điều trị đã mang lại những giá trị kinh tế rất lớn cũng như độ an toàn rất cao trong quá trình điều trị cho bệnh nhân như Thuốc được chuyển thành dung dịch phun và được đẩy lên trên bằng van đổi chiều; tại đó, thuốc được phân tán thành nhiều hạt phun có kích thước nhỏ và mịn. Người bệnh hít thuốc dạng sương mù (hạt siêu nhỏ) qua mặt nạ hoặc ống thở miệng - các bộ phận giúp bệnh nhân dễ hấp thụ thuốc làm tăng hiệu quả sử dụng thuốc. Có thể sử dụng cho nhiều đối tượng bệnh nhân khác nhau. Tiết kiệm kinh phí mua máy xông khí dung cho đơn vị hàng năm: Tổng số máy xông khí dung của bệnh viện là 28 máy tập trung chủ yếu tại khoa Nhi, Nội, Lão khoa, Hồi sức tích cực - Chống độc. Nếu sử dụng máy xông khí dung thông thường hàng năm bệnh viện phải chi khoảng 85 đến 125 triệu đồng để mua máy. Do đó nếu sử dụng thiết bị xông khí dung dùng nguồn khí nén trung tâm sẽ hạn chế kinh phí đầu tư thiết bị. Khai thác tối đa nguồn khí nén Bệnh viện đang sử dụng, nguồn khí nén từ máy nén khí trung tâm Tri-Tech Medical, sản xuất tại Mỹ, với công suất 90 psi, khi được nén vào bình dự trữ, được giảm áp qua các bộ giảm áp xuống còn 50 psi theo đường ống về tới các khoa sử dụng. Độ an toàn điện cao do thiết bị không dùng nguồn điện trực tiếp như máy xông khí dung truyền thống nên việc mất an toàn về điện là không có; nguồn khí nén trung tâm sạch và ổn định, ít bị sự cố vặt. Không tạo tiếng ồn khi sử dụng nên không gây khó chịu cho bệnh nhân. Việc các đầu phun khí dung tập trung tại một phòng sẽ giúp điều dưỡng, bác sỹ quan sát, theo dõi tình trạng bệnh nhân tốt hơn. Thời gian điều trị cũng có thể được tính toán hợp lý hơn. Thiết bị đã được thử nghiệm tại Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Các linh, phụ kiện như dây dẫn, cốc thuốc, mặt nạ (mask) dễ dàng được tháo gỡ sau mỗi lần sử dụng và đem đi hấp sấy tiệt trùng, đóng gói để tái sử dụng phòng, tránh được sự lây nhiễm qua đường hô hấp từ các bệnh nhân.
Kỹ sư Nguyễn Đức Thọ được trao tặng Bằng khen “Lao động sáng tạo”
của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Với những kết quả rất khả quan trong việc áp dụng sáng kiến này vào công tác điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông và một số trung tâm y tế trong toàn tỉnh. Sáng kiến của Kỹ sư Nguyễn Đức Thọ và cộng sự đã được Sở Y tế tỉnh Đăk Nông công nhận, Liên đoàn Lao động tỉnh Đắk Nông biểu dương và được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lựa chọn là 01 trong 128 sáng kiến kinh nghiệm vượt khó, vươn lên do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động năm 2021. Hy vọng, sáng kiến của Anh tiếp tục được nhân rộng và cải tiến để hoàn thiện hơn nữa, góp phần nâng cao hiệu quả công tác khám, chữa bệnh của ngành y tế.
Quang Hùng - Công đoàn Ngành y tế