Thứ tư, 01/05/2024
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”! - Nhiệt liệt chào mừng 20 năm ngày tái lập tỉnh Đắk Nông (01/01/2004 – 01/01/2024)!

Kết quả 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông, các cấp ủy đảng, chính quyền, đơn vị chức năng đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Kết quả, sau 10 năm thực hiện, tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã được kiềm chế và giảm sâu trên cả 3 tiêu chí “giảm số vụ, số người chết và số bị thương do tai nạn giao thông”, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh chính trị, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trên lĩnh vực giao thông đường bộ, giai đoạn 2012 - 2022, toàn tỉnh Đắk Nông xảy ra 1.295 vụ tai nạn giao thông, làm 635 người chết, 1.109 người bị thương; tổng thiệt hại về tài sản ước tính trên 14,5 tỷ đồng (hằng năm giảm 14% số vụ, 6,07 % số người chết, 9,88% số người bị thương). Trong đó, tai nạn đặc biệt nghiêm trọng 06 vụ, tai nạn rất nghiêm trọng 62 vụ, tai nạn nghiêm trọng 498 vụ và va chạm giao thông 729 vụ. Theo thống kê, 99,63% số vụ tai nạn giao thông thuộc lỗi điều khiển phương tiện do vi phạm quy tắc về an toàn giao thông gây ra, trong đó vi phạm về phần đường, làn đường, tránh vượt sai quy định, thiếu chú ý quan sát.

Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông được kiềm chế và giảm sâu trên cả 3 tiêu chí như trên, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết và kế hoạch của Trung ương, Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, những năm qua, Ban An toàn giao thông tỉnh, Công an tỉnh đã phối hợp các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành từ tỉnh đến cơ sở thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền các quy định của Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia trong quần chúng nhân dân, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa luôn được chú trọng; tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông”; huy động 28.971 lượt cán bộ, chiến sỹ phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông tham gia tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) nhân các sự kiện lớn của tỉnh, của đất nước; phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với các hoạt động tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật và vận động quần chúng tham gia bảo đảm TTATGT với trên 1.838 buổi, cho hơn 907.683 lượt người tham gia. Tranh thủ 9.633 lượt người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc các tôn giáo trong công tác quản lý, giáo dục quần chúng, tín đồ chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về an toàn giao thông. Nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức can thiệp vào việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông của các lực lượng chức năng; vận động người thân nghiêm chỉnh chấp hành khi tham gia giao thông, đồng thời xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên thiếu tinh thần trách nhiệm, để xảy ra tiêu cực trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng, chổng tội phạm”, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Xây dựng và duy trì hoạt động mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác bảo đảm TTATGT như: mô hình Camera giám sát, Camera an ninh; mô hình Tự quản về an ninh trật tự; mô hình Ánh sáng an ninh, Tiếng kẻng an ninh; mô hình Tự quản về TTATGT tại các thôn, bon, bản; mô hình Điểm nhóm tôn giáo không vi phạm pháp luật; Đoạn đường, tuyến phố an toàn do phụ nũ tự quản; mô hình Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông; Tuyến đường giao thông an toàn; Nông dân với An toàn giao thông; mô hình cổng trường an toàn giao thông,... Các cơ quan báo chí kịp thời đưa tin, bài phản ánh tình hình TTATGT, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT, định hướng dư luận. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện chuyên mục “An toàn giao thông”, phát sóng định kỳ 02 số/phát thanh và 02 số/truyền hình/1 tháng; Báo Đắk Nông với chuyên trang “An toàn giao thông”…

Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, Ngành Giao thông Vận tải đã tích cực phối hợp với các đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác quản lý đường bộ, thường xuyên kiểm tra, bảo trì, sửa chữa, bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng giao thông, ưu tiên sửa chữa tại các vị trí đường đèo dốc, các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, biển báo hiệu giao thông trên các tuyến giao thông (tổ chức khắc phục 59 vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn mất an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ). Công tác đăng kiểm phương tiện xe cơ giới đường bộ tiếp tục được duy trì và nâng cao; công tác quản lý vận tải, kiểm định an toàn kỹ thuật được thực hiện nghiêm túc, định kỳ; công tác kiểm tra tải trọng xe lưu động, kiểm tra liên ngành được tăng cường, tổ chức tốt việc kiểm tra chuyên đề, đề xuất xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép điều khiển phương tiện được tổ chức chặt chẽ và có chất lượng (từ tháng 9/2012 đến 5/2022, đã tổ chức đăng ký cho trên 270.442 phương tiện; kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho 93.203 lượt phương tiện; gắn 4.433 thiết bị giám sát hành trình cho các phương tiện; tổ chức 915 kỳ sát hạch, cấp mới, cấp đổi trên 272 ngàn giấy phép lái xe các loại.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, một số cấp ủy, chi bộ chưa đưa nội dung tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông vào sinh hoạt định kỳ. Việc xây dựng “Văn hóa giao thông” gắn với “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sổng văn hóa ở khu dân cư và xây dựng khu dân cư xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, trường học an toàn” tuy đã được thực hiện song hiệu quả chưa cao. Tình trạng chở hàng quá tải còn diễn ra làm nhanh xuống cấp các tuyến đường, một số phương tiện ô tô quá niên hạn vẫn được lưu thông tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Công tác quản lý hành lang an toàn giao thông còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc giải tỏa, xử lý đối với các hành vi lấn chiếm lòng, lề đường, các công trình, vật, kiến trúc gây cản trở giao thông. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận không nhỏ người tham giao giao thông còn hạn chế.

Trong thời gian tới, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỉnh Đắk Nông nói riêng và cả nước nói chung, giao thông vận tải sẽ phát triển mạnh mẽ với nhiều loại hình, phương tiện giao thông tiếp tục gia tăng, để kiềm chế làm giảm tai nạn giao thông, bảo đảm an ninh trật tự, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện có hiệu quả chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện quy hoạch, phát triển, xây dựng hệ thống giao thông đường bộ có tính định hướng, hiện đại, chất lượng cao, đặc biệt là thực hiện dự án đường cao tốc Đắk Nông - Bình Phước, đảm bảo tính kết nối, liên thông các khu công nghiệp, cửa khẩu, vùng kinh tế trọng điểm với các tỉnh, thành phố. Phát huy vai trò gương mẫu và lan tỏa sâu rộng trong thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về TTATGT. Phát triển các các loại hình vận tải trong lĩnh vực giao thông công cộng; nâng cao chất lượng đào tạo và quản lý người điều khiển phương tiện xe cơ giới đường bộ, đăng kiểm phương tiện và cấp giấy phép lái xe, phục vụ tốt cho công tác bảo đảm TTATGT. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, triển khai xây dựng Trung tâm thông tin, điều khiển, chỉ huy giao thông, vận hành hệ thống giám sát và xử lý vi phạm về TTATGT trên các tuyến giao thông, địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATGT, trật tự xã hội.

Thanh Tùng