Thứ tư, 04/12/2024
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”! - Nhiệt liệt chào mừng 20 năm ngày tái lập tỉnh Đắk Nông (01/01/2004 – 01/01/2024)!

Tai nạn giao thông - Nỗi đau người ở lại

Tai nạn giao thông (TNGT) là điều không ai mong muốn, thế nhưng nó vẫn đang xảy ra, cướp đi sinh mạng, cuộc sống của nhiều người và làm bao gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, bi kịch.

Cuộc sống cơ cực, vất vả

Đầu tháng 12, nhân hưởng ứng "Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân bị tử vong do TNGT", đoàn công tác của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh đến thăm hỏi, tặng quà, động viên các gia đình có người thân bị TNGT ở các địa phương. Có dịp cùng đi với đoàn, chúng tôi nhận thấy là phần lớn nạn nhân TNGT đều là những lao động chính trong gia đình.

 

Ban ATGT tỉnh thăm, tặng quà, động viên gia đình bị TNGT ở xã Nam Bình (Đắk Song)

Hai vợ chồng chị Trần Thị Hoàn và anh Trần Văn Thuận ở xã Nam Bình (Đắk Song) sinh được 1 cháu trai. Không lâu sau đó, năm 2018 anh Thuận bị tai nạn do bị xe cứu thương tông vào và tử vong. Anh Thuận là lao động chính trong gia đình, mỗi tháng thu nhập được khoảng 15 triệu đồng, nên khi chồng mất đi, chị Hoàn lâm vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Hiện nay, mỗi tháng chị đi làm được khoảng vài triệu đồng, chỉ đủ nuôi con. Chị Hoàn rơm rớm nước mắt chia sẻ: “TNGT không chỉ cướp đi người chồng mà giờ đây cuộc sống của tôi bội phần vất vả so với khi anh còn sống”.

Tương tự, cũng ở thôn 6, xã Nam Bình, từ khi vợ mất, ông Đào Ngọc Tân lâm vào tình cảnh khốn khó. Ông vốn ốm đau, kinh tế gia đình chỉ trông vào đồng tiền vợ kiếm được. Năm ngoái, trong lúc đi làm về, vợ ông bị xe ô tô tông tử vong. Sau khi chôn cất vợ xong, ông phải bán căn nhà để trả nợ và sau đó phải đi ở nhà thuê.

Đối với chị H’Nít, ở bon Đắk Gằn, xã Đắk Gằn (Đắk Mil) thì cái chết của đứa em trai khiến chị không thể nguôi ngoai. Chị chỉ có đứa em trai duy nhất là Y Lược, bố mẹ mất sớm nên từ nhỏ hai chị em yêu thương đùm bọc nuôi nhau. Y Lược là một thanh niên ngoan ngoãn, làm được đồng nào là đưa về cho chị.

Năm 2019, Y Lược bị TNGT tử vong tại chỗ, khi đó mới 26 tuổi. Em trai mất đi, chị H’Nít không chỉ mất đi người thân duy nhất mà giờ đây cuộc sống rất khó khăn vì đang bị suy thận nặng, căn nhà gỗ tồi tàn, xuống cấp cũng không có tiền để sửa chữa.

Nước mắt vẫn còn tuôn chảy

Trong số các vụ TNGT xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây, nhiều vụ do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không chấp hành pháp luật, dẫn đến gây hậu quả nghiêm trọng.

Nạn nhân Nguyễn Văn Tuyến ở thôn 3, xã Kiến Thành (Đắk R’lấp) vẫn còn bàng hoàng bởi vụ TNGT xảy ra đối với anh cách đây 10 năm. Thời điểm đó, trong lúc di chuyển trên quốc lộ 14, anh bị một chiếc xe khách vượt ẩu tông trực diện. Hậu quả, anh bị chấn thương sọ não, phải nằm bệnh viện gần 4 năm, trong đó 2 năm phải nuôi não ngoài.

Cho đến bây giờ, anh Tuyến vẫn còn bị ảnh hưởng rất nặng, lúc nhớ lúc quên. TNGT không chỉ cướp đi của anh tuổi thanh xuân mà kinh tế gia đình cũng đi xuống từ bấy đến nay. Hiện anh đã ngoài 30 tuổi nhưng những việc ăn uống, vệ sinh không tự chủ được, phải nhờ bố mẹ.

Nhắc đến đứa con trai vừa bị TNGT mất cách đây vài tháng, bà Võ Thị Thức ở bon Kon Hao, xã Đắk Ha (Đắk Glong) nước mắt lưng tròng .Theo bà Thức, con trai Bùi Hữu Ngọc là đứa con ngoan trong gia đình, chăm chỉ làm ăn, không đua đòi, rượu chè, rất nghe lời bố mẹ.

Tháng 10 vừa rồi, trong lúc ngồi xe dịch vụ do bạn thuê đi ăn cưới ở Đắk Lắk, Ngọc và một người bạn bị chết. Nguyên nhân được công an xác định là lái xe tải say rượu tông vào xe 7 chỗ có con bà ngồi, di chuyển chiều ngược lại.

Bà Thức nghẹn ngào: “Con tôi mới ngoài đôi mươi, ngoan ngoãn là thế, cháu còn trẻ quá, tôi đầu bạc phải tiễn đầu xanh, đau đớn quá”.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh Đắk Nông, trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh xảy ra hàng trăm vụ TNGT lớn nhỏ, khiến nhiều người chết và bị thương. TNGT xảy ra là bi kịch không chỉ đối với người bị tai nạn mà liên đới đến rất nhiều người khác. Người mất đi để lại những nỗi đau dai dẳng cho người sống và có khi đẩy gia đình vào hoàn cảnh bế tắc.

Nhận thức rõ hậu quả và những hệ lụy do TNGT xảy ra, hằng năm Ban ATGT tỉnh đã phối hợp với cơ quan chức năng, các đoàn thể, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành của người tham gia giao thông.

Ban ATGT tỉnh phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, văn hóa tham gia giao thông cho học sinh các cấp tại các trường học trên địa bàn; phối hợp với các tổ dân phố, chính quyền địa phương tuyên truyền lồng ghép, giúp người dân nâng cao nhận thức trong việc tham gia giao thông.

Ban ATGT tỉnh cũng quan tâm, động viên, chia sẻ những khó khăn đối với những gia đình có người bị TNGT.  Qua đó, các gia đình không những được động viên để vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống mà còn trở thành những tuyên truyền viên hiệu quả nhất trong cộng đồng, nhằm nâng cao ý thức, văn hóa giao thông cho mọi người.