Từ ngày 15/6/2022, khi áp dụng Thông tư số 04 ngày 22/4/2022 của Bộ Giao thông - Vận Tải (GTVT) quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ chính thức có hiệu lực, nhiều học viên học lái xe và các trung tâm đào tạo đều kêu khó.
Bắt đầu từ kỳ sát hạch giấy phép lái xe vào tháng 7/2022, Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe (ĐT-SHLX) Nam Tây Nguyên, thuộc Công ty TNHH Giáo dục nghề nghiệp Nam Tây Nguyên thực hiện theo Thông tư 04. Theo ông Tống Nhật Trường, Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục nghề nghiệp Nam Tây Nguyên thì để thực hiện theo Thông tư 04, đơn vị phải đầu tư khá lớn chi phí để trang bị thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe của học viên theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ GTVT ban hành; thiết bị phục vụ lưu trữ, đường truyền, triển khai học mô phỏng các tình huống giao thông, cabin dạy lái… Đồng thời, đơn vị cung cấp giấy xác nhận thông tin học viên đã học đủ thời gian, nội dung học thực hành lái xe cho cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Chi phí lắp camera giám sát học viên trên xe không dưới 15 triệu đồng/xe. Đây là con số không nhỏ khi trung tâm có hàng chục xe dạy thực hành…
Theo thông tư mới, học viên phải hoàn thành phần thi mô phỏng tình huống giao thông trên máy tính. Đây là nội dung mới và hiện còn nhiều luồng ý kiến khác nhau. Chị Ng. Th. H, học viên Trung tâm ĐT-SHLX Nam Tây Nguyên cho biết, dù nhiều năm sử dụng máy tính nhưng khi thực hành trên phần mềm mô phỏng tình huống thực tế, chị hoàn toàn bất ngờ.
“Trước khi tiếp xúc, tôi nghĩ mình sẽ được trải nghiệm giống như thực tế. Nhưng sau khi trải nghiệm xong, tôi thấy chỉ bấm bàn phím thôi thì cũng không thực tế, cái này đòi hỏi mình phải nhanh nhạy trong sử dụng thiết bị công nghệ thông tin, đặc biệt là máy tính”, chị H thông tin.
Học viên thi lý thuyết và mô phỏng tình huống giao thông tại Trung tâm ĐT-SHLX Nam Tây Nguyên |
Còn anh Tr. V. T, học viên Trung tâm ĐT-SHLX Nam Tây Nguyên bộc bạch: “Phần mềm mô phỏng này tôi có học qua nhưng thấy rất khó. Các tình huống không thể phán đoán trước được…, nếu người thi bấm máy tính không kịp thì thi rớt 100%”.
Qua thực tế học và thi bằng phần mềm mô phỏng, ông Trần Văn Vương, Phó Giám đốc Trung tâm ĐT-SHLX Nam Tây Nguyên nhận thấy một số vấn đề chưa sát thực tiễn. Đơn cử, khi giáo viên dạy thực hành, ngoài kiến thức theo lý thuyết còn truyền tải kinh nghiệm lái xe cho học viên qua kinh nghiệm thực tế như phương pháp 3 giây xử lý tình huống trên đường (giảm ga trước, đệm phanh trước, về số trước)… Tuy nhiên, qua phần mềm mô phỏng, khi tình huống nguy hiểm xuất hiện, phải thực hiện ấn phanh đúng thời điểm mới được điểm tối đa. Nếu ấn sớm hay muộn đều bị điểm trừ. Điều này mâu thuẫn với việc xử lý thực tế trên đường.
Tượng tự, theo lãnh đạo Trung tâm dạy nghề Đại Lợi, nhiều người dân trong tỉnh còn hạn chế trong sử dụng vi tính nên khi vào thi rất bỡ ngỡ. “Để giải quyết khó khăn này, trong quá trình học ngoài tuân thủ thời khóa biểu, trung tâm phải bổ sung thêm giờ thực hành sử dụng máy vi tính”, lãnh đạo Trung tâm dạy nghề Đại Lợi cho biết thêm.
Đắk Nông hiện có 5 cơ sở đào tạo lái xe; trong đó 3 cơ sở vừa đào tạo, vừa đủ điều kiện tổ chức thi sát hạch lái xe. Theo các trung tâm sát hạch, việc áp dụng Thông tư 04 có phần hơi vội vàng. Do đó, các trung tâm đề nghị Bộ GTVT cần thí điểm, có lộ trình, để triển khai đạt hiệu quả như mong muốn.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Phạm Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở GTVT khẳng định: Thông tư số 04 nhằm nâng cao chất lượng trong công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe, những khó khăn, vướng mắc nhất thời đang được đơn vị hướng dẫn, chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các cơ sở đào tạo lái xe tìm cách tháo gỡ. Qua đó, các trung tâm và học viên hiểu rõ hơn, sâu sắc hơn về an toàn giao thông, điều khiển phương tiện tham gia giao thông an toàn, đúng luật định.