Thứ bảy, 27/07/2024
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”! - Nhiệt liệt chào mừng 20 năm ngày tái lập tỉnh Đắk Nông (01/01/2004 – 01/01/2024)!

Tình hình và giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ

Trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, việc xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị là một vấn đề lớn, thể hiện ở nhiều nội dung và nhiều mối quan hệ. Trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Đảng ta xác định: phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Công tác xây dựng Đảng gồm nhiều mặt, nhiều nội dung và nhiều khâu khác nhau, trong đó công tác cán bộ được xác định là khâu có ý nghĩa then chốt, vì “cán bộ là gốc của công việc” và “công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Như vậy, có thể nói rằng công tác cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và là “khâu then chốt” của “nhiệm vụ then chốt”.

Xuất phát từ vai trò, vị trí quan trọng của công tác cán bộ đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Điều lệ Đảng đã xác định: “Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ”. Quy định nêu trên được hiểu: Công tác cán bộ là công tác của Đảng, mà đã là công tác của Đảng thì phải được thực hiện theo nguyên tắc tổ chức của Đảng, đó là nguyên tắc tập trung dân chủ. Như vậy, mọi quyết định về cán bộ và công tác cán bộ đều phải được thảo luận tập thể và quyết định theo đa số. Tuy nhiên, để các quyết định về công tác cán bộ bảo đảm khách quan, chính xác, Đảng phải phát huy vai trò, đề cao trách nhiệm, lắng nghe ý kiến của các tổ chức trong hệ thống chính trị và người đứng đầu các tổ chức ấy.

Người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị được xác định là người định hướng, chi phối quan trọng, đóng vai trò quyết định đến chiều hướng phát triển cũng như kết quả hoạt động của tổ chức, địa phương, cơ quan, đơn vị đó. Vì vậy, việc lựa chọn và bố trí người đứng đầu ở mỗi cấp ủy, tổ chức, địa phương, cơ quan, đơn vị là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định chất lượng của công tác cán bộ.

Hiện nay, nguyên tắc tổ chức cũng như mọi chế độ sinh hoạt, hoạt động của Đảng đều dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đặc biệt là trong lựa chọn và giới thiệu cán bộ; thực hiện tốt nguyên tắc này sẽ hạn chế tình trạng độc đoán, chuyên quyền của cá nhân, phát huy dân chủ, sức mạnh và trí tuệ của tập thể. Nhưng nguyên tắc này trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức, do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể, cá nhân; khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm.

Trong thời gian qua, tỉnh Đắk Nông luôn xác định công tác cán bộ là một khâu rất quan trọng; chính vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn bố trí cán bộ là người đứng đầu các cấp; qua đó, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị. Từ một tỉnh thiếu hụt cán bộ về cả số lượng và chất lượng sau khi thành lập thì đến nay, số lượng cán bộ các cấp trong tỉnh cơ bản bảo đảm theo quy định và chất lượng từng bước được nâng lên; từng bước đáp ứng được các nhiệm vụ chính trị được giao.

Trong các quy định của Đảng và Nhà nước đã được ban hành luôn xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đề xuất nhận xét, đánh giá cán bộ hằng năm, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, giới thiệu ứng cử, quy hoạch, khen thưởng, kỷ luật, đó là: Người đứng đầu trực tiếp đánh giá cấp phó và cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý hành chính của mình và chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, phân loại. Để nâng cao hiệu quả thực hiện thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ thì cần thực hiện tốt những giải pháp sau đây:

1. Tiếp tục quán triệt người đứng đầu nhận thức một cách sâu sắc tầm quan trọng của công tác cán bộ cũng như vai trò, trách nhiệm bản thân mình trong công tác quan trọng này, từ đó không ngừng học tập, rèn luyện để có những phẩm chất, năng lực và uy tín cần thiết phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý nói chung và công tác cán bộ nói riêng. Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, đặc biệt quan tâm thực hiện các giải pháp liên quan đến việc xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, tập thể lãnh đạo đơn vị. Lựa chọn, bố trí người đứng đầu cơ quan, đơn vị thật sự có năng lực, gương mẫu, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của cấp trên; tổ chức, điều hành cơ quan, đơn vị thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có chất lượng và đúng thời hạn được giao. Thực hiện nghiêm việc bố trí một số chức danh người đứng đầu không phải là người địa phương.

2. Cần phân công, phân cấp mạnh hơn về công tác cán bộ, tạo điều kiện cho người đứng đầu có vai trò, quyền hạn, trách nhiệm nhiều hơn nữa trong công tác cán bộ. Đặc biệt là quyền giới thiệu, tiến cử, bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ, đồng thời xác định rõ khi có cán bộ dưới quyền phạm sai lầm, khuyết điểm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm liên đới. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong cấp ủy, Ban thường vụ và cơ quan đơn vị. Kiên quyết đấu tranh phòng, chống các biểu hiện cơ hội, thực dụng trong công tác cán bộ; thực hiện nghiêm theo Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

3. Quan tâm bồi dưỡng đội ngũ những người đứng đầu cả về trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và năng lực quản lý, tổ chức thực tiễn.

4. Thực hiện thí điểm giao quyền cho bí thư cấp ủy lựa chọn, giới thiệu để bầu cử ủy viên thường vụ cấp ủy; cấp trưởng có trách nhiệm lựa chọn, giới thiệu để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó; thí điểm chế độ tiến cử, chế độ tập sự lãnh đạo quản lý; thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự theo hướng những người được dự kiến đề bạt, bổ nhiệm phải trình bày đề án hoặc chương trình hành động trước khi cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

5. Cấp ủy, người đứng đầu cấp trên cần thường xuyên kiểm tra, giám sát cấp ủy, người đứng đầu cấp dưới trong thực hiện công tác cán bộ; tạo điều kiện cho họ phát huy vai trò, trách nhiệm của mình cũng như kịp thời khắc phục những lệch lạc, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

6. Thường xuyên tiến hành công tác sơ kết, tổng kết nhằm đánh giá việc xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị và tập thể lãnh đạo liên quan đến công tác cán bộ và quản lý cán bộ để kịp thời đề ra biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện./.

Nguyễn Vương Duy Tân - Ban Tổ chức Tỉnh ủy