Thứ sáu, 19/04/2024
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”! - Nhiệt liệt chào mừng 20 năm ngày tái lập tỉnh Đắk Nông (01/01/2004 – 01/01/2024)!

N’Trang Lơng - người anh hùng chốn đại ngàn!

Ngày nay, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên thường kể cho con cháu nghe về người anh hùng dân tộc N’Trang Lơng, một thủ lĩnh tài giỏi của phong trào chống Pháp năm xưa như kể về những thiên anh hùng ca bất hủ của dân tộc mình. Thân thế và sự nghiệp của anh hùng N’Trang Lơng là một bộ phận trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam trước khi có Đảng; là sự nối kết giữa đồng bào các dân tộc Tây Nguyên với cuộc giải phóng khỏi ách áp bức bóc lột của thực dân Pháp trên cả nước và khối đại đoàn kết các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Cuộc khởi nghĩa N’Trang Lơng

Bước vào những năm cuối thập kỷ 1910, khi tiếng súng của phong trào Cần Vương đã không còn, hầu hết các cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam đã lần lượt thất bại. Lúc này, ở vùng Cao nguyên M’nông, dưới sự lãnh đạo của N’Trang Lơng, cuộc khởi nghĩa của đồng bào M’nông, S’tiêng bước vào giai đoạn khởi phát.

N’Trang Lơng cùng các thủ lĩnh tiến hành xây dựng căn cứ địa kháng chiến tại thung lũng rừng già Bu Siết giáp ranh với Bu N’Drung ở thượng nguồn suối Buk Xô thuộc núi Nâm Nung. Đây là cơ quan đầu não của nghĩa quân, với lực lượng từ 150 – 170 tay súng thoát ly buôn làng. Phần lớn nghĩa quân là người M’nông Biêt và M’nông Nông do N’Trang Lơng trực tiếp chỉ huy. Họ xây dựng lán trại, kho lương, nhà chứa vũ khí, đào hầm, cắm chông gài bẫy xung quanh căn cứ. Bên cạnh căn cứ là những nương rẫy trồng lúa, bắp, khoai của nghĩa quân.

Khởi nghĩa N’Trang Lơng là cuộc khởi nghĩa vũ trang điển hình của dân tộc Việt Nam thời cận đại. Cuộc khởi nghĩa đã trải qua ba giai đoạn cơ bản.

Giai đoạn 1912 - 1915: Đầu năm 1912, N’Trang Lơng quyết định mở cuộc tấn công đồn Pu Sra - Sở chỉ huy của Pháp giành thắng lợi. Chiến thắng Pu Sra như một luồng gió mạnh thổi lên khắp cao nguyên M’nông, mở đầu một phong trào vũ trang nổi dậy chống Pháp mạnh mẽ. Tiếp sau đó, dưới sự lãnh đạo của nghĩa quân N’Trang Lơng đã chống càn thắng lợi vào mùa khô 1912 - 1913. Nghĩa quân N’Trang Lơng liên tục tấn công, giành lại quyền làm chủ Tây Nguyên. Có thể thấy, trên cao nguyên M’nông, phong trào khởi nghĩa do N’Trang Lơng lãnh đạo đang bước những bước tiến mới, chuẩn bị thế và lực liên tiếp mở những trận tấn công tiêu diệt địch, giành lại quyền làm chủ Tây Nguyên. Điển hình như trận liên hoàn Bu Nor - Bu Mêra - Bu Bông; trận Bu Tiên. Với thắng lợi ở trận Bu Tiên, đã góp phần khẳng định ý chí, khả năng chiến đấu tiêu diệt địch, đồng thời, bẻ gãy ý chí xâm lược của thực dân Pháp trong một thời gian dài.

Giai đoạn 1916 - 1927: chiến đấu bảo vệ và phát triển thắng lợi, mở rộng địa bàn khởi nghĩa. Khẳng định, tấm gương chiến đấu và các chiến công oanh liệt của N’Trang Lơng đã động viên và cổ vũ đồng bào M’nông và S’tiêng tiến hành một cuộc chiến đấu anh dũng, giữ vững được phần lớn nhất đất đai, bảo vệ tự do trên quê hương, góp phần cổ vũ sức chiến đấu chống thực dân Pháp của đồng bào các dân tộc nhiều vùng trên Tây Nguyên, Nam Kỳ. Do ảnh hưởng mạnh mẽ của cuộc khởi nghĩa N’Trang Lơng, phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp trên vùng cao nguyên Nam Đông Dương đã lan rộng ra nhiều khu vực, đặc biệt nổi lên là phong trào chống Pháp của người S’tiêng ở Bà Rá ở đại lý Phú Riềng. 

Giai đoạn 1928 - 1936: đấu tranh quyết liệt chống lại những thủ đoạn tàn bạo, nham hiểm của kẻ thù. Trước sức ép của việc khai thác đồn điền và xây dựng căn cứ quân sự chiến lược Tây Nguyên của Pháp đã rất cấp bách, mặt khác, chúng còn phải đối phó với sự nổi dậy đấu tranh mãnh liệt của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Theo đó, thực dân Pháp tăng cường lực lượng, thống nhất chỉ huy ba xứ, liên tục vây quét khu vực đầu não của phong trào kháng chiến; đây cũng là thời kỳ N’Trang Lơng và các bạn chiến đấu của ông liên tục tiến công địch “quyết tâm bằng mọi giá đánh đuổi Pháp một lần nữa ra khỏi cao nguyên”.

Sau trận N’Trang Lơng đánh đồn Gati ngày 29/4/1935, thực dân Pháp thấy rõ bị uy hiếp mạnh, nên từ đầu tháng 5/1935 trở đi, chúng tung quân ra sức truy lùng nghĩa quân, bất chấp các cơn mưa đầu mùa xối xả, núi cao, rừng sâu. Trong hoàn cảnh đó, N’Trang Lơng tạm lánh về quê cũ, ẩn náu trong một vùng rừng gần Bu Par. Cũng tại đây, diễn ra trận chiến đấu cuối cùng, bất ngờ và không cân sức, ông bị Pháp bắn trọng thương và mất sáng ngày 23/5/1935. Ông ngã xuống trong tay vẫn còn cầm khẩu súng theo ông chiến đấu đã hơn hai mươi năm; và lúc này vẫn còn nóng bỏng những viên đạn cuối cùng mà người anh hùng chống Pháp bắn vào đầu giặc.

N’Trang Lơng hy sinh, phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp trên cao nguyên M’nông lắng xuống, đi vào thoái trào nhưng ảnh hưởng của phong trào đã không ngừng vươn cao, vươn xa. Chỉ sau đó không lâu, phong trào đấu tranh của đồng bào các dân tộc Đắk Nông nói riêng và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, Nam Bộ nói chung lại bùng lên và lan rộng hơn trước

Có thể khẳng định, khởi nghĩa N’Trang Lơng là cuộc khởi nghĩa vũ trang điển hình của dân tộc Việt Nam thời cận đại. Trong 24 năm tồn tại (1912-1936), cuộc khởi nghĩa đã trải qua ba giai đoạn cơ bản. Giai đoạn đầu từ 1912 - 1915 với những đòn tiến công giành thắng lợi vang dội gây thanh thế lớn cho nghĩa quân. Giai đoạn hai từ 1916 - 1927 là giai đoạn lớn nhất của cuộc khởi nghĩa. Giai đoạn ba từ 1928 - 1936 là giai đoạn tiếp tục các cuộc chiến đấu quyết liệt chống các cuộc hành quân càn quét trên quy mô lớn của quân Pháp.

Có thể thấy, dù được chia ra các giai đoạn đấu tranh khác nhau nhưng nhìn chung, đây là cuộc khởi nghĩa vũ trang nhân dân, lấy yếu chống mạnh, dựa vào địa hình rừng núi và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, có mở đầu và kết thúc, có chiến tranh và đình chiến, có các chiến dịch quân sự tiến công, có lúc ở thế chủ động, có lúc là phòng ngự, giằng co, có công cuộc xây dựng, bảo vệ căn cứ, hậu phương... Trong đấu tranh, nghĩa quân đã tiêu diệt hàng trăm tên địch, trong đó có những tên thực dân sừng sỏ như Henri Maitre, Truffot, Gatille, Margand... hàng ngàn súng ống, đạn dược và nhiều kho tàng phục vụ chiến tranh của địch bị tịch thu hay phá hủy.

Khởi nghĩa N’Trang Lơng là cuộc khởi nghĩa có quy mô cộng đồng dân tộc rộng lớn, ban đầu là ở Đắk Song, Đắk Mil, sau đó lan rộng ra cả vùng cao nguyên Đắk Lắk, thu hút đông đảo các dân tộc tham gia đấu tranh, kể cả nhân dân Campuchia. Đây không phải là cuộc khởi nghĩa mang tính địa phương cục bộ để thể hiện sự cát cứ của một tù trưởng, bảo vệ cuộc sống của bộ lạc, tộc người mà mang tính cộng đồng nhiều dân tộc. Trên thực tế, cuộc khởi nghĩa này vượt qua tư tưởng công xã nhỏ lẻ, ý thức hệ tộc người mà có sự phát triển cao về chất, có tính cộng đồng quốc gia dân tộc.

Khởi nghĩa N’Trang Lơng là minh chứng cho lòng dũng cảm, tinh thần đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm bảo vệ quê hương, đất nước, là một trang sử chói lọi lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết đấu tranh giành độc lập của các dân tộc trên đất nước Việt Nam. Mặc dù, tất cả các cuộc khởi nghĩa đó cuối cùng đều bị thực dân Pháp đàn áp và thất bại bởi thiếu đường lối chính trị; thiếu phương hướng lãnh đạo đúng đắn; lực lượng nhỏ yếu và phân tán, chưa phối hợp với phong trào đấu tranh chung của cả nước nên bị cô lập và từng bước bị thực dân Pháp đàn áp. Nhưng, xét đến cùng, tinh thần chung của các phong trào là cách mạng, yêu nước, kiên cường, bất khuất của nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Để rồi, khi cuộc khởi nghĩa N’Trang Lơng kết thúc, núi rừng Tây Nguyên lại ào ào sôi động với các phong trào đấu tranh, rồi từ từ chuyển mình theo con đường đấu tranh cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Điều đó cho thấy, trong quá trình xâm lược, người Pháp chưa bao giờ bình định được hoàn toàn khu vực Tây Nguyên cũng như dập tắt được sức sống mãnh liệt, tinh thần đấu tranh cho độc lập, tự do của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Vinh danh người anh hùng dân tộc N’Trang Lơng

Tượng đài Anh hùng dân tộc N’Trang Lơng và các dân tộc Tây Nguyên là nơi giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh kiên cường của người thủ lĩnh chốn đại ngàn

Cuộc khởi nghĩa do N’Trang Lơng lãnh đạo đã đạt được đỉnh cao và được xem là một bộ phận trong cuộc cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc và người anh hùng dân tộc N’Trang Lơng đã được ghi lại trong sử sách, trở thành biểu tượng của tình yêu quê hương, đất nước và ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm, đã ăn sâu vào trong ý thức trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Ghi nhớ công lao và những chiến công oanh liệt của vị thủ lĩnh người M’Nông, ngày 11-7-2007, Tỉnh ủy Đắk Nông ban hành Thông báo số 543-TB/TU và ngày 30-7-2007, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Công văn số 1629/UBND-VX về việc thống nhất tên gọi danh nhân lịch sử N’Trang Lơng.

Đắk Nông - tự hào là mảnh đất đã nuôi dưỡng nên người con anh dũng, nơi lưu giữ những dấu tích oai hùng của cuộc khởi nghĩa cách đây tròn 110 năm - đó là các điểm chiến đấu, hầm hào, công sự, hậu cần bảo đảm lương thực; những trận địa chiến đấu và chiến thắng của phong trào N’Trang Lơng như: bon Bu Nơr, đồn Buméra, bia Henry Maitre… Hiện nay, thực hiện dự án phục dựng di tích các địa điểm về phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M’Nông do N’Trang Lơng lãnh đạo tại xã Đắk R’tih và xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức để khẳng định giá trị lịch sử - văn hóa cũng như ghi dấu ấn những chiến công hiển hách, hào hùng của đồng bào các dân tộc nơi đây. Hiện nay, tên của ông đã được đặt cho ngôi trường dành cho các em học sinh dân tộc thiểu số trong tỉnh - trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng.

 Đặc biệt, tỉnh đã triển khai xây dựng Tượng đài Anh hùng dân tộc N’Trang Lơng và các dân tộc Tây Nguyên với diện tích là 5,9 ha tại trung tâm thành phố Gia Nghĩa, nhằm tuyên truyền đến toàn xã hội nhận thức sâu sắc về cuộc khởi nghĩa N’Trang Lơng trên quê hương Đắk Nông, đồng thời giáo dục sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh kiên cường vì độc lập dân tộc của người anh hùng N’Trang Lơng, những chiến công oanh liệt, truyền thống đấu tranh bất khuất của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói riêng và của nhân dân Việt Nam nói chung trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Đồng thời, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của đồng bào các dân tộc Đắk Nông đối với người con ưu tú đã có nhiều đóng góp trong công cuộc đấu tranh chống thực dân xâm lược.

Cẩm Trang