Thứ bảy, 27/04/2024
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”! - Nhiệt liệt chào mừng 20 năm ngày tái lập tỉnh Đắk Nông (01/01/2004 – 01/01/2024)!

Ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga

Lịch sử nhân loại đã từng có không ít các cuộc cách mạng có ảnh hưởng tới sự phát triển xã hội, song Cách mạng Tháng Mười Nga là một cuộc cách mạng mang ý nghĩa lịch sử toàn cầu. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga cùng với sự ra đời của nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới được xem là sự kiện lịch sử vĩ đại nhất của thế kỷ XX; trở thành biểu tượng của niềm tin và sự cổ vũ mãnh liệt đối với phong trào cách mạng của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.

V.I. Lênin, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại (Ảnh tư liệu)

Ngay từ đầu thế kỷ XX, cuộc cách mạng của đông đảo công nhân, nông dân và trí thức ở Liên Xô, không chỉ có yêu cầu lật đổ chế độ Nga Sa Hoàng, xóa bỏ chế độ nông nô mà còn tiên lên lật đổ nhà nước tư sản, thiết lập nhà nước xã hội chủ nghĩa. Cách mạng Tháng Mười là một tất yếu lịch sử và lần đầu tiên những ước mong về một xã hội công bằng và bình đẳng đã “trở thành một hiện thực trong xã hội, có sức mạnh vô cùng to lớn lôi cuốn hàng nghìn triệu người vào hành động cách mạng, vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”[1]. Cách mạng Tháng Mười chứng tỏ chủ nghĩa tư bản sớm muộn cũng phải bị thay thế bằng một chế độ xã hội tốt đẹp hơn - chế độ xã hội chủ nghĩa.

Sau thắng lợi vĩ đại ấy, đúng như V.I.Lênin đã khẳng định: “Không thể có bức tường ngăn cách giữa những chiến thắng của Cách mạng Tháng Mười và những chiến thắng của cách mạng xã hội chủ nghĩa quốc tế”[2], đã được thực tiễn minh chứng, với các cuộc đấu tranh mãnh liệt vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội, với xu thế sâu rộng diễn ra ở khắp các châu lục Âu, Á, Phi, Mỹ latinh, sự lựa chọn con đường phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có tác động mạnh mẽ đến toàn bộ quá trình phát triển của thế giới. Cách mạng Tháng Mười không chỉ là thắng lợi vĩ đại của giai cấp vô sản và nhân dân các dân tộc Liên Xô, mà còn là thắng lợi của giai câp vô sản, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, là một sự kiện mang ý nghĩa thời đại của thế kỷ XX.

Có thể khẳng định, Cách mạng Tháng Mười đã “mở đầu một thời đại mới trong lịch sử thế giới, thời đại thống trị của một giai cấp mới, giai cấp bị áp bức trong tất cả các nước tư bản và ở khắp nơi đều đang tiến tới một cuộc đời mới, tới chỗ chiến thắng giai cấp tư sản, tới chỗ thành lập chuyên chính vô sản, tới chỗ giải phóng nhân loại khỏi ách tư bản, khỏi những cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa”[3]. Đây là một xu hướng phát triển tất yếu của lịch sử nhân loại.

Không thể phủ nhận được một sự thật là Liên Xô, thành quả vĩ đại, con đẻ của Cách mạng Tháng Mười, từ một nước tư bản trung bình sau một thời gian xây dựng đã trở thành một siêu cường, là lực lượng chủ yếu nhất đã cứu nhân loại thoát khỏi thảm họa của chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai, tạo điều kiện cho môt loạt nước Đông Âu và châu Á, sau đó là Tây bán cầu tiến hành thắng lợi cách mạng giải phóng và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Mười đã phá vỡ một mảng của thế giới tư bản chủ nghĩa, đã mở ra thời kỳ sụp đổ của chủ nghĩa thực dân, tạo điều kiện cho hàng trăm quốc gia vốn là thuộc địa đã giành được độc lập dân tộc và một số quốc gia từ đó đi lên chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Mười không chỉ đánh dấu sự ra đời của Nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới, mà còn đặt nền móng cho một chế độ xã hội phù hợp nhất với các lợi ích cơ bản của con người.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười cho thấy sức mạnh sáng tạo của con người, của giai cấp vô sản và quần chúng nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh tự giải phóng và mở đầu một sự nghiệp kiến tạo xã hội mới chưa từng có khuôn mẫu trong lịch sử hiện thực của nhân loại. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười cho thấy trong thời đại ngày nay, sự kết hợp tất yếu và tự nhiên giữa cuộc đấu tranh vì dân chủ và cuộc đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội, giữa dân chủ và chủ nghĩa xã hội chẳng những là mục tiêu mà còn là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tiến bộ xã hội, đưa xã hội loài người tới tự do, công bằng, bình đẳng và văn minh.

Mặc dù, sự đổ vỡ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu cùng với sự chững lại của phong trào cộng sản quốc tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp cách mạng của các dân tộc đang đấu tranh cho hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, làm chậm bước tiến của chủ nghĩa xã hội trên thế giới, song không thể vì thế mà phủ nhận ý nghĩa lịch sử vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười, coi cuộc cách mạng ấy  diễn ra “không theo đúng quy luật khách quan”, “không theo đúng tiến trình phát triển lịch sử - tự nhiên” của xã hội loài người, như những phần tử chống chủ nghĩa xã hội thường rêu rao mà ngược lại, nó là kết quả tất yếu khách quan của tiến trình phát triển lịch sử - tự nhiên của xã hội loài người. “Chủ nghĩa xã hội hiện đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội, vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử”[4].

Với cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại thì: “Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản từ chỗ là một ước mơ cao đẹp của loài người... đã trở thành hiện thực trong xã hội”[5]. Điều đó đã được minh chứng trong thực tiễn cách mạng Việt Nam từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định:“Tiếng sấm cách mạng ấy thúc đẩy những người Việt Nam yêu nước hướng về phía Liên Xô, hấp thụ lý luận vĩ đại của chủ nghĩa Mác – Lênin…Ngọn đuốc lý luận Mác – Lênin và kinh nghiệm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại soi sáng con đường cách mạng Việt Nam”[6].

Bởi vậy, sẽ là không đầy đủ nếu đề cập đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc, bảo vệ và thống nhất Tổ quốc mà lại không nhắc đến giá trị của những bài học kinh nghiệm từ Cách mạng Tháng Mười Nga được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng và thể hiện thành công ở Việt Nam. Đó là bài học về chuẩn bị lực lượng cách mạng, liên minh công nông; bài học về nghệ thuật khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng; bài học về nghệ thuật tạo và chớp thời cơ; về xây dựng Đảng và chăm lo củng cố chính quyền cách mạng…

Với cách mạng Tháng Mười Nga “Tất cả các dân tộc đều đi đến chủ nghĩa xã hội, đó là điều không tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc đều tiến tới chủ nghĩa xã hội không phải một cách hoàn toàn giống nhau; mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ”[7]. Đó cũng chính là lý do, cách mạng Việt Nam đã thể hiện tính độc lập, tự chủ, sáng tạo trong con đường quá độ đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Và cũng là lý do, cách mạng Việt Nam vẫn vững vàng trong những thời điểm phong trào xã hội chủ nghĩa, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có sự khủng hoảng, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Đảng ta vẫn kiên định, bản lĩnh lãnh đạo nhân dân ta thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, vượt qua những hiểm nghèo đưa công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ đất nước của nhân dân ta tiến lên một cách vững chắc. Có được bản lĩnh đó là bởi Đảng ta luôn kiên định lý tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hoạt động cách mạng.

Cách mạng Việt Nam ngày nay vẫn tiếp tục khẳng định, con đường phát triển đất nước, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đó là: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nhấn mạnh: Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.

Văn kiện Đại hội XIII xác định: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng... Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được nghiêng ngả, dao động”[8].

Cùng với đó, trong bài viết Một số lý luận về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã luận giải và khẳng định: “Ngay khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn khẳng định: Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam”[9]. Bên cạnh đó, một lần nữa nhấn mạnh: “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận sâu sắc rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc”[10].

Rõ ràng, thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười đã đi 105 năm, nhưng đó không phải là thắng lợi đã thuộc về quá khứ của nhân loại. Cách mạng Tháng Mười và lý tưởng cao đẹp của nó vẫn sống, vẫn đang thực hiện và nhất định sẽ thực hiện thành công. Cách mạng Tháng Mười vẫn đang và sẽ cổ vũ nhân loại tiến lên trên con đường phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cẩm Trang

 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2000, tập 12, tr.303.

[2] V.I. Lênin: Toàn tập, tiếng Việt, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1981, tập 36, tr.615.

[3] V.I. Lênin: Toàn tập, tiếng Việt, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1981, tập 44, tr.184-185.

[4] Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.8.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2000, Tập 12, tr.303.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2000, Tập 9, tr. 314.

[7] V.I. Lênin, Toàn tập, Tập 30, Nxb CTQG, H. 2006, tr. 160.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, HN 2021, tập I, tr. 33.

[9] Trích bài viết Một số lý luận về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghia xã hội, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.

[10] Trích bài viết Một số lý luận về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghia xã hội, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.